Dự Hội thảo có PGS,TS Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy trường Đại học Kinh tế Quốc dân; TS Nguyễn Trung Tuấn Viện trưởng, Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số; TS Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương); đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự.

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản trị doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu cùng các giảng viên và nghiên cứu sinh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến nền kinh tế số.

 PGS, TS Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng – Bí thư Đảng ủy trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại Hội thảo.

Nội dung Hội thảo tập trung vào các vấn đề chính: lý luận chung và quan điểm về phát triển nền kinh tế số; phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam ở góc độ vĩ mô và vi mô; đề xuất những kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái qua đó thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số; phát triển kinh tế số và nhân lực số tại Việt Nam thực trạng và giải pháp; kinh tế số và nguồn nhân lực cần thiết cho quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam trong những năm sắp tới; chuyển đổi kỹ thuật số trong Kỷ nguyên AI; các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử, công nghệ xử lý và phân tích dữ liệu, sản xuất thông minh, quản trị thông minh, nông nghiệp thông minh, giáo dục thông minh...

 Toàn cảnh Hội thảo.

Theo Ban tổ chức Hội thảo, trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy tại trường Đại Học Kinh tế Quốc dân thấy rằng hiện có nhiều khái niệm, quan điểm về kinh tế số các nhà khoa học, các nhà làm chính sách còn chưa thống nhất.

Bên cạnh đó có những hạn chế khó khăn khi đưa nền kinh tế số vào cuộc sống đó là rào cản hệ thống pháp lý chưa theo kịp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế số. Khi phát triển đặt ra những vấn đề mới như: sự phân tầng xã hội, xuất hiện thêm những nhóm yếu thế mới như không có khả năng tiếp cận, áp dụng nền kinh tế số...

Vì thế những đo lường, biện pháp, chính sách để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số còn có nhiều tranh luận. Hệ sinh thái nền Kinh tế số bao hàm nhiều vấn đề phức tạp, rất cần có những trao đổi, thảo luận, thống nhất để từ đó tìm lời giải về khoa học và cho thực tiễn.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trung Tuấn - Viện trưởng, Viện Công nghệ thông tin và kinh tế số cho biết: kinh tế số được hiểu là nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế; kinh tế số có các đặc trưng vận hành với các quy luật mới, tốc độ thay đổi nhanh chóng, tính kết nối lớn (hệ sinh thái), tính chia sẻ lành mạnh; dữ liệu là tài sản, tài nguyên, vốn...

Những thành tựu cơ bản của kinh tế số đã phát triển mạnh trong đời sống kinh tế - xã hội như: thương mại điện tử, giao thông vận tải, công nghệ tài chính, công nghệ thông tin truyền thông. Nhóm dịch vụ công có: Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, y tế thông minh. Kinh tế số ở nước ta hiện đã tiếp cận được công nghệ hiện đại thế giới.

  
 TS Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng, Cục Thương mại điện tử phát biểu tại Hội thảo.

Tham luận về “Phát triển kinh tế số và nhân lực số tại Việt Nam”, TS Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết: Việt Nam là thị trường tiềm năng cho phát triển thương mại điện tử, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 10.8 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế số tăng 38%, tỷ lệ người dân sử dụng internet 66%. Năm 2019, số người tham gia mua sắm trực tuyến dạt 44.8 triệu người, bình quân giá trị mua sắm trực tuyến 225 USD/ người.

Việt Nam cũng là thị trường lớn, đang phát triển mạnh với các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số, một thị trường mạnh về thanh toán kỹ thuật số, tiêu thụ công nghệ. Việt Nam là nước phát triển đáng chú ý trong chuỗi giá trị toàn cầu về CNTT và truyền thông. Về nhân lực, Việt Nam có 53.1 triệu lao động, trong đó 76% lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 5% lao động qua dạy nghề 3 tháng trở lên, 4 %  lao động có trình độ trung cấp, 4% lao động có trình độ cao đẳng, 11% lao động có trình độ đại học trở lên.

Báo cáo tham luận cũng cho thấy những thách thức trước nền kinh tế số ở Việt Nam: dự báo năm 2020 Việt Nam thiếu khoảng 500.000 nhà khoa học trong lĩnh vực dữ liệu; học sinh ở nông thôn ít cơ hội việc làm và chất lượng cuộc sống thấp hơn do hạn chế  tiếp cận giáo dục kỹ năng số; sự khập khiễng giữa chương trình giảng dạy và kỹ năng thực tế, kỹ năng làm việc nhóm và khả năng sáng tạo của lực lượng lao động Việt Nam cần nâng cao; lực lượng lao động không có tay nghề có nguy cơ cao bị thay thế bởi tự động hóa.

Đề cập về một số chính sách nổi bật như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nền kinh tế số chiếm 20%GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI), dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI) và thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).

Phó Cục trưởng, Cục Thương mại điện tử đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực và kỹ năng số: tiếp tục hoàn thiện chính sách, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ; chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cho các thiết bị số trong giáo dục; giải pháp thu hút chuyên gia và những lao động lành nghề cho ngành IT và liên quan; tập trung đào tạo kỹ năng quản trị số, kỹ năng số, kỹ năng quản trị số - kỹ thuật số; mở các ngành đào tạo mới phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số; đầu tư vào năng lực tính toán và lập trình cao cấp; xây dựng lộ trình trong hệ thống giáo dục nhằm phát triển cộng đồng lập trình viên.

Trong phần thảo luận mở, các chuyên gia, các nhà khoa học dự Hội thảo cũng đóng góp nhiều ý kiến, nhận xét, cùng thảo luận, phân tích kinh nghiệm của một số nước trên thế giới trong việc xây dựng, phát triển nền kinh tế số - bài học cho Việt Nam như: đồng bộ về hệ thống chính sách, pháp luật, đẩy mạnh công tác giáo dục cộng đồng để tạo sự hiểu biết, đồng thuận xã hội tiếp cận nền kinh tế số, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục để có nguồn nhân lực phục vụ nền kinh tế số tốt nhất trong những năm tới đây.

 
Thế Dương